Giúp bạn phân biệt diện tích tim tường và diện tích thông thuỷ
Bạn đang có ý định muốn mua một căn hộ chung cư? vậy bạn đã biết cách tính diện tích tim tường với diện tích phong thủy cho căn hộ chung cư mà mình muốn mua chưa? Và cách tính diện tích căn hộ chung cư như thế nào là chuẩn xác và được pháp luật công nhận. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ giúp bạn phân biệt diện tích tim tường và diện tích thông thủy để bạn có cái nhìn khách quan nhất khi mua nhà chung cư để tránh những rắc rối về sau.
1. Diện tích tim tường là gì?
Diện tích tim tường là cách tính diện tích đo từ tâm tường ở trung tâm căn hộ. Hay còn được gọi là “diện tích sàn xây dựng”. Diện tích tim tường được tính bao gồm tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, diện tích sàn có cột, hộp kỹ thuật nằm bên trong căn hộ.
Cách tính diện tích tim tường được áp dụng theo công thức như sau:
Diện tích tim tường = Diện tích tường ngăn phòng + diện tích ban công, logia + diện tích để ở
Một điều mà bạn cần phải lưu ý nữa là không phải khoảng không gian đậm đặc của các bức tường sẽ không sử dụng được, đối với các bức tường phân chia căn hộ mà không phải là tường chịu lực, thì bạn hoàn toàn có thể khoan vào đó để lắp các giá đỡ tủ, TV, kệ, tranh,…Tuy nhiên, cách đo theo diện tích tim tường cũng có nhược điểm. Đó là một số căn hộ có nhiều cột chịu lực và có thể cả hộp kỹ thuật đi qua. Như vậy sẽ thiệt thòi hơn. Hiện nay, các doanh nghiệp bao giờ cũng chia đều tất cả các chi phí và lợi nhuận mong đợi cho từng mét vuông bán được.
2. Diện tích thông thủy là gì?
Trước khi đi vào tìm hiểu diện tích thông thủy là gì, thì bạn cần phải hiểu nghĩa của từ “thông thủy” trước đã. Thông thủy là một từ Hán-Việt, có nghĩa là nơi nước có thể chảy qua mà không gặp phải bất cứ sự cản trở nào.
Diện tích thông thủy còn được gọi là “diện tích sử dụng căn hộ” bao gồm cả phần diện tích tường ngăn các phòng bên trong căn hộ và diện tích ban công, logia (nếu có) gắn liền với căn hộ đó. Diện tích thông thủy sẽ không tính tường bao quanh ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ diện tích sàn có cột và hộp kỹ thuật nằm bên trong căn hộ.
Cách tính diện tích thông thủy như sau:
Diện tích thông thủy = {Diện tích tường ngăn phòng + diện tích ban công, logia + diện tích ở} – {Diện tích tường bao quanh + tường phân chia căn hộ + diện tích sàn có cột + hộp kỹ thuật}
*Lưu ý: Khi tính diện tích logia thì tính toàn bộ diện tích sàn, trường hợp logia có phần diện tích tường chung thì tính từ mép trong diện tích tường chung.
Mục đích của việc xác định diện tích thông thuỷ là để người ta có thể xác định được diện tích sử dụng thực tế của họ so với diện tích mà họ phải bỏ tiền ra để trả. Diện tích thông thuỷ càng sát với diện tích bao ngoài càng tốt, vì còn tuỳ thuộc điều kiện kiến trúc, kết cấu mà diện tích thông thuỷ có thể mở rộng đến mức nào đó lớn nhất có thể
Có thể bạn quan tâm: Sơn nội thất lau chùi JYMEC, sản phẩm sơn được nhiều người tin dùng
3. Phân biệt diện tích tim tường và diện tích thông thủy
Từ hai khái niệm về diện tích tim tường và diện tích thông thủy ở trên ta có thể khẳng định là việc đo diện tích thông thủy sẽ có lợi hơn tim tường. Nhưng khi xét từ khả năng thực thi quyền chủ sở hữu và hạn chế tranh chấp thì đo theo tim tường là phương án hợp lý hơn.
Nếu đo theo diện tích tim tường thì diện tích căn hộ có thể lớn hơn. Nhưng giá cho từng mét vuông lại ít hơn. Ngược lại, đo theo diện tích thông thủy, số lượng mét vuông cho từng căn hộ ít hơn. Nhưng giá cho từng mét vuông lại cao hơn.
4. Quy định tính diện tích căn hộ theo đúng pháp luật
Thời gian về trước, khi Thông tư 16/2010/TT-BXD vẫn còn hiệu lực, các nhà làm luật cho phép Chủ đầu tư được quyền chọn một trong hai phương pháp tính diện tích này để áp dụng trong hợp đồng mua bán căn hộ chung cư. Điều này dẫn tới rất nhiều vụ việc “lùm xùm” giữa Chủ đầu tư và người mua nhà, bởi lẽ thường chủ đầu tư thường sẽ chọn phương pháp tính tim tường, lý do là cách tính này sẽ làm tăng diện tích thực tế của căn hộ, đồng thời qua đó làm giảm đi đơn giá/m2 của căn hộ, tạo tâm lý giá rẻ cho người mua. Người mua nhà vô hình chung sẽ bị thiệt hại không chỉ về diện tích sử dụng thực tế mà còn chịu thêm các khoản phí dịch vụ về sau (do được tính dựa trên diện tích căn hộ trong Hợp đồng).
Ngày 20/02/2014, Bộ Xây dựng đã chính thức ban hành Thông tư 03/2014/TT-BXD Có nội dung quy định thống nhất một cách đo duy nhất. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 101 Luật Nhà ở 2014, diện tích các căn hộ sẽ áp dụng theo cách tính diện tích thông thủy. Cách tính này là cách tính đúng chuẩn nhất. Đảm bảo tối đa quyền lợi cho người mua nhà cả. Tiện ích cả về diện tích thực tế sử dụng lẫn phần diện tích để tính phí dịch vụ quản lý vận hành căn hộ, chung cư sau này.
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 9, Luật Nhà ở số 65/2014/QH13, cơ quan có thẩm quyền cấp sổ hồng phải ghi rõ trong sổ hồng loại và cấp nhà ở theo đúng quy định của Luật Nhà ở và pháp luật về xây dựng; trường hợp là căn hộ chung cư thì phải ghi cả diện tích sử dụng căn hộ và diện tích sàn xây dựng.
Thông tư 03/2014/TT-BXD đã hết hiệu lực từ ngày 15/08/2016. Và được thay thế bởi thông tư 19/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016. Mặc dù vậy, cách tính diện tích căn hộ vẫn phải theo thông thủy như quy định ở thông tư 03.
Trên đây chúng tôi đã giúp bạn phân biệt diện tích tim tường và diện tích thông thủy khi chọn mua nhà chung cư. Hy vọng các bạn sẽ có thêm những thông tin hữu ích giúp cho việc mua bán thuận lợi và chọn được căn hộ ưng ý đúng giá tiền.
Xem thêm: Những ý tưởng trang trí nội thất mang sắc thu vào nhà